Gửi hàng giá trị cao là một trong những nhu cầu chuyển phát cực kì “nhạy cảm” của khách hàng vì đặc tính của hàng hoá được gửi thường là những món hàng có giá trị như điện thoại, laptop, tủ lạnh, … Vậy người gửi cần lưu ý những gì để tránh rủi ro khi gửi chuyển phát những mặt hàng đắt tiền như vậy?
1. Quy cách đóng gói hàng giá trị cao an toàn
a. Thiết bị di động & linh kiện điện tử
Sử dụng chất liệu đàn hồi để cố định hàng hoá
Đối với các mặt hàng dễ vỡ và có kích thước vừa và nhỏ (điện thoại, mạch điện tử,…), người gửi nên bọc hàng gửi bằng miếng xốp bọt biển được làm từ Polyetylen hoặc Polyurethane để cố định hàng gửi và chống sốc. Và để hàng hoá không bị ẩm trong quá trình vận chuyển, người gửi nên bọc thêm một lớp giấy chống thấm (giấy Tyvek) hoặc chèn gói hút ẩm cùng với hàng hoá, sau đó cố định lại bằng băng dính (băng keo trong).
Sử dụng thùng carton để đóng gói
Sau khi hàng hoá đã được cố định như trên, người gửi nên dùng thùng carton có kích thước vừa đủ để đặt hàng hoá bên trong và chèn thêm một số vật liệu có chất liệu mềm (xốp, miếng mút,…) vào những khoảng trống trong thùng để giúp hàng hoá không bị va đập khi vận chuyển.
b. Đồ điện tử gia dụng
Đối với mặt hàng có kích thước lớn hơn và kị nước (tivi, tủ lạnh, máy giặt, …), bên cạnh việc đóng gói theo chất liệu bảo vệ có sẵn của nhà sản xuất thì người gửi hàng cũng nên sử dụng giấy chống thấm để cố định ở những vị trí có màn hình điều khiển điện tử trên hàng gửi để chúng không bị ẩm khi được đóng gói trong thùng kín một thời gian dài.
c. Xe gắn máy
Sử dụng bìa carton để đóng gói
Người gửi hàng nên sử dụng bìa carton để bao bọc phần dàn áo của xe máy và cố định lớp bảo vệ đó bằng băng keo để đảm bảo hàng gửi không bị trầy xước, móp méo trong quá trình chuyển hàng.
Sử dụng thùng gỗ để đóng gói
Bên cạnh việc sử dụng thùng carton, người gửi cũng có thể áp dụng cách đóng hàng hoá trong thùng gỗ để đảm bảo an toàn khi vận chuyển. Trước đó, người gửi cần bao bọc xe gắn máy bằng giấy Bubble hoặc giấy xốp bong bóng và cố định bằng băng keo để hàng gửi không bị va đập bên trong.
d. Hàng hoá khác
Một số hàng hoá khác như là các tác phẩm nghệ thuật, động cơ, mô tơ, … người gửi hàng cũng có thể tham khảo những cách đóng gói trên để áp dụng. Lưu ý đối với tác phẩm như các bức tranh nghệ thuật, khách gửi hàng nên sử dụng thêm giấy chống thấm nước để bao bọc vì loại hàng hoá này rất dễ bị ẩm mốc khi được đóng gói kín trong một thời gian dài.
2. Đính kèm đầy đủ chứng từ của hàng giá trị cao
Tâm lý người gửi thường e ngại công khai giá trị thực của hàng gửi vì họ sợ rằng khi biết được giá trị hàng hoá, đơn hàng của họ sẽ dễ trở thành mục tiêu cho những hành vi trộm cắp. Do đó, phần lớn đơn hàng không được khai báo đúng giá trị. Dẫn đến khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển, đơn vị vận chuyển sẽ không đưa ra phương án bồi thường thoả đáng cho khách hàng. Vì vậy, người gửi cần phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan và khai báo chính xác giá trị thực của hàng gửi cho công ty vận chuyển để làm cơ sở bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển.
(Lưu ý một số trường hợp, đơn vị vận chuyển sẽ yêu cầu có hoá đơn chứng minh giá trị).
3. Không phải đơn vị nào cũng cung cấp gói bảo hiểm hàng giá trị cao
Một trong những điều cần lưu ý khi gửi hàng giá trị cao đó là bảo hiểm hàng hoá. Đây là một trong những dịch vụ mà các công ty vận chuyển thường cung cấp để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng nhưng không phải đơn vị vận chuyển nào cũng cung cấp chính sách bảo hiểm hàng hoá cho hàng gửi giá trị cao vì thường các gói bảo hiểm này sẽ do đơn vị thứ ba cung cấp. Vì vậy, người gửi hàng nên lựa chọn đơn vị chuyển phát có cung cấp dịch vụ bảo hiểm hàng hoá và đăng kí mua khi gửi hàng hoá giá trị cao.